Chrisann
Brennan, bạn gái đầu tiên của Steve Jobs sau này nói rằng: "Steve là một
con người điên khùng. Nhưng chính điều đó đã hấp dẫn tôi".
THÔNG TIN LIÊN QUAN
Phần 1: Thời đi học nổi loạn của Steve Jobs
Phần 2: Những ông bạn quái kiệt của Steve Jobs
Steve Jobs qua lời kể của "mối tình đầu"
|
|
Mối tình đầu
Mùa xuân năm 1972, năm học cuối cấp ở trường Homestead, Jobs bắt đầu hẹn hò với
một cô gái. Chrisann Brennan bằng tuổi Jobs nhưng học kém một lớp. Với mái tóc
màu nâu nhẹ, đôi mắt xanh, gò má cao cùng dáng dấp mong manh của một cô thiếu
nữ, Chrisann quả rất quyến rũ.
Cha mẹ của Chrisann vừa ly dị. Chính sự tan vỡ của gia đình khiến Chrisann rất
dễ bị tổn thương. Jobs nhớ lại "Chúng tôi cùng làm chung trong dự án một
bộ phim hoạt họa rồi bắt đầu hẹn hò. Cô ấy trở thành người bạn gái thật sự đầu
tiên của tôi". Brennan sau này cũng nói rằng: "Steve là một con người
điên khùng. Nhưng chính điều đó đã hấp dẫn tôi".
Sự điên khùng của Jobs có lẽ đã được điều chỉnh và trau dồi bởi nhận thức. Ông
đã bắt đầu những cuộc thử nghiệm, sẽ duy trì trong suốt cuộc đời, với chế độ ăn
kiêng nghiêm ngặt, chỉ có rau và hoa quả. Chính vì vậy, người ông gầy và mảnh
khảnh như một cỗ chiến xa hạng nhẹ. Ông luyện được cách nhìn chằm chằm vào
người khác mà không chớp mắt, ông có thể phá vỡ sự im lặng trong một thời gian
dài bằng một loạt những câu nói nhanh và ngắn gọn.
Sự pha trộn khác thường giữa những xúc cảm mãnh liệt và sự xa lánh cô độc kết
hợp với mái tóc ngắn đến ngang vai và bộ râu lởm chởm mang lại cho Jobs thần
thái của một vị pháp sư điên khùng. Ở Steve có sự hòa quyện của một người
thuyết phục tài tình đồng thời lại gây ra cho người khác sự ớn lạnh đến nổi da
gà. Brennan kể rằng "Steve thường đi đi lại lại, trông như nửa tỉnh nửa
mê. Anh ấy có quá nhiều sự lo lắng, cảm giác như xung quanh là một màn đêm rộng
lớn bao trùm vậy".
Trong bài phỏng vấn trên
Rolling Stone, Brennan miêu tả Jobs đã bất ngờ biến thành một "kẻ bạo
ngược" khi bước ra cuộc đời và đối mặt với thế giới. |
Jobs bắt
đầu sử dụng chất kích thích gây ảo giác và sau đó ông cũng kéo cả Brennan vào
cuộc chơi này trên một cánh đồng lúa mì ở ngoại ô Sunnyvale. Ông nói "Thật
là tuyệt vời. Tôi thường nghe nhạc của Bach, và khi đó đột nhiên, cả cánh đồng
lúa mì như ngập tràn những giai điệu của Bach. Giây phút đó đích thực là giây
phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Tôi cảm giác như mình là vị nhạc trưởng
của dàn hòa tấu đang đắm mình trong những giai điệu làm mê lòng người".
Mùa hè năm 1972, sau khi tốt nghiệp, ông cùng với Brennan chuyển đến sống trong
một nhà xe lưu động ở khu đồi trên Los Altos. Một ngày, Steve thông báo tới cha
mẹ mình: "Con với Chrisann sẽ chuyển đến sống ở nhà xe lưu động". Cha
của Steve rất tức giận, ông kiên quyết: "Điều đó không thể được, trừ phi
bước qua xác ta". Trước đó, họ đã phản đối việc Jobs sử dụng cần sa và giờ
một lần nữa chàng thanh niên Jobs lại tiếp tục bị ngăn cản. Steve chào tạm biệt
cha mẹ và bỏ đi.
Brennan dành rất nhiều thời gian của mùa hè năm đó để vẽ. Cô khá có tài hội
họa, và bức vẽ chú hề cô tặng cho Jobs được treo mãi trên tường. Jobs thì làm
thơ và chơi ghi-ta. Đôi lúc, ông có thể là một con người cực kỳ tàn nhẫn và
lạnh lùng với Brennan, nhưng ông cũng là người rất cảm xúc và cương quyết với
các quyết định của mình. Brennan nhận xét: "Jobs là một sự kết hợp kỳ lạ
của một kẻ giác ngộ bên trong những biểu hiện của con người độc ác".
Sau này, mối quan hệ của Brennan và Jobs lên xuống thất thường, rồi rạn nứt.
Tình yêu với Thiền
Mặc dù cha mẹ Jobs không phải là người quá cuồng tín nhưng họ muốn ông được dạy
dỗ về lễ nghi tôn giáo. Vì vậy họ đưa ông đến nhà thờ vào hầu hết các ngày chủ
nhật hàng tuần cho tới khi Jobs mười ba tuổi.
Vào khoảng tháng 7/1968, tạp chí Life đăng tải hình bìa gây sốc chụp hai đứa
trẻ bị đói khát ở vùng Biafra. Jobs mang tạp chí này đến trường dòng và chất
vấn vị mục sư: "Nếu con giúp đỡ ai đó, liệu Chúa có biết người con sẽ giúp
đỡ trước cả khi con giúp họ không?
Vị mục sư trả lời: "Có chứ, Chúa biết tất cả mọi thứ"
Sau đó, Jobs lấy ra bìa cuốn tạp chí và hỏi tiếp "Vậy thì, Chúa có biết về
hoàn cảnh của những đứa trẻ này và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với chúng
không?"
"Steve, ta biết con không hiểu nhưng có, Chúa biết về việc này".
|
Chân dung Steve Jobs trong bài "Steve Jobs, một phật tử". Nguồn ảnh: Bloomberg |
Từ đó, Jobs tuyên bố rằng ông không muốn làm bất cứ điều gì liên quan đến cầu
nguyện người danh xưng là Chúa và ông sẽ không bao giờ quay trở lại nhà thờ
nữa. Tuy nhiên, Jobs lại dành hàng năm trời nghiên cứu và thực hành Thiền của
Phật Giáo và những giáo lý này có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của ông
nhiều năm sau đó.
Jobs kết luận rằng, tôn giáo sẽ đạt được ảnh hưởng lớn nhất tới con người khi
nó nhấn mạnh tới những trải nghiệm về tâm linh hay đời sống tinh thần của họ
thay vì chỉ đưa ra khuyên răn giáo điều. "Những tinh túy nhất của đạo Cơ
đốc sẽ trở nên xa vời nếu nó chỉ mù quáng dựa trên đức tin thay vì những gì
đang diễn ra trong cuộc sống, giống như việc tin tưởng thế giới này có Chúa và
hãy nhìn thế giới như Chúa đang thấy nó".
Sự gắn bó của Jobs với thế giới tâm linh phương Đông, đặc biệt là Thiền Phật
giáo không phải chỉ là những ham mê nhất thời của tuổi trẻ. Ông theo đuổi nó hết
mình giống như nét tính cách vốn có của ông.
Daniel Kottke, người bạn thân nhất thời đại học của Jobs, nói: "Steve rất
sùng bái Thiền. Nó thật sự ảnh hưởng sâu sắc đến ông ấy. Bạn có thể nhận thấy
điều này trong tổng thể con người Jobs: sự thẳng thắn, bình dị, khiếu thẩm mỹ
tinh tế, đơn giản và sự tập trung cao độ. Jobs cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi
nhận định rằng cơ sở của Phật giáo là trực giác".
Kottke cũng cho biết: "Jobs sau này nói với tôi: 'Tôi bắt đầu nhận ra rằng
sự nhận thức tự nhiên bằng trực giác quan trọng hơn những thống kê logic trừu
tượng, phải vận dụng trí não của khoa học'. Tuy nhiên, cảm xúc quá mãnh liệt
khiến Jobs khó đạt được sự tĩnh tâm; những nhận thức có được từ Thiền của ông
không đi kèm với việc tăng khả năng giữ bình tĩnh, đầu óc thanh thản hay sự nhẹ
nhàng giữa người với người".
• Walter Isaacson
• Nhóm dịch AlphaBook
Nguồn: trích lược nội dung Hồi ký Steve Jobs do AlphaBooks xuất bản trong
tháng 12. Tên bài và tít phụ do VietNamNet đặt.